Chia Sẻ Điều Đúng Đắn

Hỏi Đáp | Đặt Lịch | Zalo 0919449459

MỚI

Tìm nội dung

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

8 CHIẾN LƯỢC BRAINSTORM ĐỂ TẠO RA NHỮNG Ý TƯỞNG VIẾT LÁCH MỚI


Hãy thử những chiến lược brainstorm đã được chứng minh dưới đây, nó có thể giúp bạn sáng tạo ra ý tưởng mới, cách tiếp cận mới và khôi phục cả các dự án đang bị trì hoãn của bạn.

1. FREEWRITING (VIẾT TỰ DO)

Freewriting, theo đúng nghĩa đen của nó, là để cho suy nghĩ của bạn tuôn ra một cách tự do trên giấy hoặc màn hình máy tính. Hãy dành khoảng 15 phút để viết hoặc nghĩ về thứ bạn sẽ viết và viết tự do vài trang nhất định rồi bắt tay vào việc. Hãy viết bất cứ điều gì xuất hiện trong đầu của bạn. Đừng lo lắng về lỗi đánh máy, chính tả hay bất kỳ vấn đề về ngữ pháp hay phong cách nào. Bạn chỉ cần viết cho đến khi hết thời gian hoặc đạt được số trang mục tiêu đã định.
Khi bạn thực hiện xong, hãy đọc qua những gì mình đã viết. Không nghi ngờ gì, bạn chắc chắn sẽ thấy có rất nhiều lỗi hay một mớ thông tin vô dụng trong đó, nhưng cũng có thể sẽ có những suy tư sâu sắc và đắt giá, khám phá mới mẻ và cả những viên ngọc quý mà bạn có thể thoải mái lựa chọn và phát triển thêm cho dự án của mình. Ngay cả khi bạn không khám phá ra bất kỳ ý tưởng mới nào, bạn sẽ tăng sự sáng tạo của mình lên và tìm ra những ý tưởng ẩn sâu trong tâm trí, dù còn thô ráp nhưng cũng có khả năng phát triển hơn nữa.

2. LOOPING (VÒNG LẶP)

Looping là một bước tiến xa hơn của freewriting với mục đích đào sâu để tìm ra những ý tưởng còn thô ráp và những suy tư được chôn sâu trong tiềm thức của bạn. Hãy lặp đi lặp lại việc viết một bài freewriting trọng từ 5 đến 10 phút rồi lại viết một bài khác cho đến khi bạn đã có một chuỗi các đoạn freewriting. Hãy đảm bảo rằng bạn tuân thủ các quy tắc của freewriting trong bài tập này để mỗi một lần sau có thể thu được kết quả cụ thể hơn lần trước.
Đọc qua những gì bạn đã tạo ra trong các chu kỳ vòng lặp freewriting và phân tích tất cả các câu, các ý tưởng hay các cụm từ thú vị. Bạn có thể khám phá ra một ý tưởng hay một chủ đề mà bạn thường xuyên vô thức nghĩ đến. Bạn có thể phát triển ý tưởng chủ đề hoặc đề tài này và sử dụng nó trong dự án tiếp theo của bạn.

3. LISTING (THỐNG KÊ THÀNH DANH SÁCH)

Nếu bạn muốn viết về một chủ đề cụ thể hoặc truyền đạt một ý tưởng nào đó, hãy ghi lại một danh sách các từ và cụm từ có liên quan đến chủ đề chung mà bạn đang suy nghĩ. Ví dụ: nếu bạn đang nghĩ về việc viết một tiểu thuyết viễn tưởng, hãy liệt kê ra các yếu tố, nhân vật hoặc cảnh bạn muốn truyền tải. Còn nếu bạn đang viết tiểu thuyết hiện thực, hãy liệt kê ra các sự kiện, lập luận, câu hỏi hoặc bất kỳ ý tưởng liên quan nào khác mà bạn muốn đề cập đến.
Đừng phác thảo hoặc chỉnh sửa vào thời điểm này. Hãy để ý tưởng tuôn ra tự nhiên. Khi bạn hoàn thành việc thống kê, bạn cần nhóm các mục trên danh sách một cách hợp lý và gắn một nhãn vào mỗi nhóm. Bạn hãy viết ra một câu chủ đề cho mỗi nhóm và bạn sẽ có một danh sách các chủ đề và câu chủ đề để có thể phát triển về sau. Tiếp theo là xây dựng tiếp nối các câu chủ đề trên và liên tưởng, mở rộng thêm để có được các đề tài rộng hơn với những ý mà bạn có thể viết tiếp tục.

4. CLUSTERING (TẬP HỢP Ý TƯỞNG)

Clustering, còn được gọi là lập bản đồ ý tưởng, là một chiến lược được sử dụng để khám phá các mối quan hệ và sợi dây nối giữa những ý tưởng. Nếu bạn đã cạn ý tưởng về chủ đề hay đề tài mới mẻ, hãy thử viết ra một chủ đề đã cũ ở giữa trang giấy đi. Làm nổi bật chủ đề đó bằng cách gạch chân hoặc vẽ một vòng tròn quanh nó, chẳng hạn. Rồi bạn bắt đầu suy nghĩ về một ý gần gũi, liên quan hoặc xung quanh chủ đề đó và ghi nó lại trên trang giấy của bạn. Sau đó liên kết ý tưởng này với chủ đề trung tâm.
Xong rồi chứ? Giờ bạn hãy suy nghĩ về một ý khác xung quanh ý tưởng mới mà bạn vừa viết ra. Liên kết hai ý tưởng này với nhau. Lặp lại quy trình cho đến khi bạn có một web các ý tưởng mà tất cả đều xuất phát từ chủ đề chính. Bây giờ bạn có thể nhìn rõ, một cách trực quan, những ý tưởng liên quan đến chủ đề chính. Xác định các nhóm ý tưởng mà bạn có hứng thú rồi sử dụng các thuật ngữ bạn gắn với chúng thành điểm xuất phát cho dự án viết của bạn.

5. NUT-SHELLING (PHÂN LOẠI Ý TƯỞNG)

Nut-shelling đòi hỏi bạn phải khám phá và đặt ra được một vài ý chính về chủ đề trong đầu. Nó giúp bạn phân biệt những ý tưởng lớn và nhỏ trong suy nghĩ và hiểu cách các ý tưởng liên kết đến nhau ra sao. Bằng cách này, bạn có thể kiểm tra xem các ý tưởng khác nhau sẽ ảnh hưởng đến những thứ bạn muốn viết như thế nào.
Giả vờ như bạn đang được phỏng vấn bởi một người nào đó và họ muốn biết bạn đang suy nghĩ gì và định viết gì. Bắt đầu giải thích của bạn với một câu như "Tôi muốn viết về ..." hoặc "Tôi muốn đưa ra ..." Hãy viết ra câu trả lời bằng một đoạn văn thật ngắn gọn. Rút ngắn câu trả lời của bạn để chúng không quá hai hoặc ba câu, điều này giúp bạn có thể nắm bắt được bản chất của chủ đề và đồng thời, bạn cũng đang phát triển lời tuyên bố hoặc tiền đề cho những gì bạn đang suy nghĩ và định viết đấy.

6. CUBING (QUAN SÁT TỪ NHIỀU GÓC ĐỘ)

Cubing là một quá trình tư duy phê bình, nó đòi hỏi người viết phải kiểm tra dự án từ sáu góc độ khác nhau, với mục đích nhằm tạo ra ý tưởng mới cho các dự án viết bị trễ của bạn. Hãy mô tả dự án của bạn nào: Nó là gì? Nó trông như thế nào? Điều gì tạo nên các thành phần của nó? Làm thế nào để có thể sử dụng nó? Cuối cùng, các ưu và nhược điểm của nó là gì hay bạn có thể phản đối hoặc hỗ trợ nó như thế nào? Khi kết thúc việc quan sát, bạn nên có một góc nhìn hoặc bản phác thảo về cách tiếp cận chủ đề hoặc dự án đó.

7. KỸ NĂNG 5W VÀ 1H

Khi nghiên cứu một câu chuyện và góc nhìn của nó, các nhà báo thường hỏi theo mô hình 5W và 1H: Ai? (Who) Cái gì? (What) Khi nào? (When) Ở đâu? (Where) Tại sao? (Why) và Làm thế nào? (How). Bạn hãy thử sử dụng những kỹ thuật tương tự để tự sáng tạo ra ý tưởng mới, góc nhìn mới và những thông tin hữu ích có thể đưa vào chủ đề.
Hãy viết từng câu hỏi lên giấy và để lại một khoảng trống để cho các câu trả lời về sau. Bước tiếp theo là trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến chủ đề của bạn một cách ngắn gọn rồi rà soát lại chúng. Bạn có muốn bổ sung thêm gì cho một số câu hỏi đặc biệt nào đó không, ví dụ như bạn muốn nói nhiều hơn về “Ở đâu” và “Tại sao” hơn là “Cái gì” chẳng hạn, hay các câu trả lời của bạn đều cân bằng?
Bạn sẽ khám phá ra rằng bạn biết nhiều hơn hoặc ít hơn về một lĩnh vực cụ thể nào đó trong chủ đề của mình. Hãy nâng cao nhận thức đó để tạo ra những ý tưởng viết mới. Nghiên cứu chủ đề của bạn hơn nữa để cải thiện các lĩnh vực mà bạn không hiểu rõ nhất, phát triển thêm các lĩnh vực bạn có nhiều kiến ​​thức nhất hoặc cách tốt nhất là tạo lập từ những gì bạn đã biết để cân bằng chủ đề của bạn thêm.

8. NGHIÊN CỨU

Hãy ghé thăm thư viện hoặc vào trung tâm văn học gần nơi bạn ở để xem qua các từ điển, sách hướng dẫn và bất kỳ tài liệu tham khảo nào mà bạn tìm thấy. Bạn sẽ ngạc nhiên về số lượng các thông tin cơ sở, những sự thật ít được biết đến và các ý tưởng, chủ đề đắt giá liên quan đến dự án của bạn mà một cuốn sách cũ có thể mang đến.
Hãy viết ra các sự kiện trong quá khứ hoặc hiện tại liên quan đến chủ đề của bạn, các vấn đề lịch sử hoặc đương đại xung quanh chủ đề đó và bất kỳ thông tin liên quan nào khác mà bạn thu thập được khi nghiên cứu trong thư viện để sử dụng cho dự án của bạn trong tương lai. Ngoài ra, hãy xem qua các phiên bản trực tuyến của từ điển và sách tham khảo để mở rộng thêm những ý tưởng mà bạn đã thu thập được.
Nếu một trong những chiến lược này không hiệu quả, hãy tiếp tục và thử lại cho đến khi có một thứ phát huy được tác dụng. Thông thường, một sự kết hợp của những chiến lược brainstorm này mới đem về kết quả tốt nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét